Cà phê vợt hay còn được biết đến với những cái tên khác như cà phê bít tất, cà phê kho. Cà phê vợt du nhập vào Sài Gòn nhờ những người dân lao động gốc Hoa tại quận 5, sau đó dần dần lan tỏa trong văn hóa cà phê khu phố thị thế kỷ 20. Cà phê vợt được coi là sự giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa Sài Gòn. Ở thời điểm ấy, cà phê phin chỉ dành cho tầng lớp trung lưu. Cà phê vợt là thức uống của những người dân lao động bình dị ngày ấy, chẳng có thời gian ngồi chờ đợi ngắm nhìn từng giọt cà phê nhỏ xuống qua chiếc phin nhỏ. Cà phê vợt mang đến cho họ sự tiện lợi, uống thật nhanh cốc cà phê mùi khen khét, nhạt nhòa và rồi lại quay lại với bộn bề cuộc sống.
Ngày nay, khi cà phê phin và cà phê pha máy thống lĩnh, cà phê vợt thu mình lại, chỉ còn một vài quán nhỏ bán cà phê vợt tại Sài Gòn. Người ta vẫn tìm đến đây như tìm về miền ký ức xưa cũ của Sài Gòn, trải nghiệm văn hóa cà phê ngày xưa ấy cả khu phố thị bậc nhất xứ Nam Kỳ. Tương tự như cà phê pha phin, cà phê pha vợt cũng giữ được trọn vẹn đặc tính thượng hạng của hạt cà phê rang xay. Cà phê vợt được pha bằng cách cho một lượng cà phê vừa đủ vào túi vải mỏng được làm như một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung, chế nước sôi vào như pha trà. Khoảng năm đến mười phút, cà phê trong ấm đất được chuyển sang một chiếc ấm nhôm để đun trên bếp than trước khi rót ra để thưởng thức.
Cách pha cà phê vợt
Người ta sử dụng những chiếc vợt làm bằng tấm vải the thưa và dài như chiếc bít tất thay thế cho phin, những chiếc vợt đặc biệt này cũng có thể sử dụng lại được rất nhiều lần. Chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng chiếc vợt này, một người chủ quán cà phê vợt tại Sài Gòn chia sẻ không nên giặt vợt bằng xà phòng bởi sẽ làm mất hương thơm của cà phê. Trước khi pha cà phê, người ta phải trụng sạch chiếc vợt này qua nước sôi. Cà phê xay nhuyễn được lọc qua chiếc vợt đặc biệt này, nhúng vào siêu nước đang sôi. Để cà phê đều vị, người ta lấy chiếc muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại. Người ta sử dụng siêu đất, loại chuyên được sử dụng để sắc thuốc bắc để giữ trọn vẹn hương thơm. Cà phê được ủ trong khoảng từ 5 đến 10 phút để hương vị cà phê thấm dần và hòa quyện với nhau. Sau đó, cà phê được đổ ra ấm sắt Tây để ra hết vị và dễ dàng sử dụng. Người ta tiếp tục đun thứ nước đầu này với lửa nhỏ liu diu trên bếp than dành cho những thực khách muốn uống cà phê vợt nóng.
Cà phê vợt không đậm đà như cà phê phin hay cà phê pha máy, tuy nhiên ở nó lại mang một hương vị vô cùng đặc biệt. Hương cà phê nhẹ nhàng, với những người quen uống cà phê đậm vị sẽ thấy cà phê vợt có chút nhạt nhòa. Thưởng thức thật kỹ bạn sẽ ngửi thấy một chút mùi khét khét nhưng lại rất dễ chịu của cà phê. Cà phê vợt đậm đà theo cách tao nhã, không có vị đậm và đắng nặng nề. Thứ cà phê mộc mạc bình dân ấy, chỉ cần tỏa ra mùi hương thơm ngát cũng khiến người ta tự tìm đến, lại quyến luyến mãi chẳng muốn rời đi.
Bạn cũng có thể thêm chút đường hoặc sữa vào tách cà phê vợt, khuấy đều rồi từ từ nếm thử. Một chút cà phê hương vị tinh khiết, nước cà phê trải mỏng khắp miệng rồi nuốt xuống. Bạn có thể cảm nhận từng lớp hương thơm cà phê nhẹ nhàng lan tỏa khắp khoang miệng, xông thẳng lên hốc mũi, vòm họng lan tỏa lên tới đỉnh đầu. Có thể bạn không biết, quán cà phê vợt lâu đời nhất của Sài Gòn hiện nay chính là nơi sản sinh ra bạc xỉu – thức uống nổi tiếng gần xa. Bạc xỉu chính gốc là bạc xỉu được pha bằng cà phê vợt, thưởng thức cùng bánh tiêu và cháo quẩy.
Người ta nói rằng, đến thưởng thức cà phê vợt, bạn có thể nhìn thấy cả một xã hội thu nhỏ. Từ những cụ già tóc bạc cầm tờ báo giấy, nhẹ nhàng nhâm nhi cốc cà phê và hoài cổ về tháng ngày xưa cũ. Những người trẻ tuổi đến trò chuyện, trải nghiệm cái “hồn” của văn hóa cà phê Sài Gòn khi xưa, thưởng thức cái tình trong từng giọt cà phê.
Sưu tầm