Daruma – món quà cầu may siêu đáng yêu và thông điệp văn hóa sâu sắc của người Nhật

TRAVEL

Daruma – món quà cầu may siêu đáng yêu và thông điệp văn hóa sâu sắc của người Nhật

0
847
2022 / 10 / 17

 

Daruma là một loại búp bê truyền thống của Nhật Bản và đã trở thành biểu tượng của sự kiên trì, may mắn tại nước này. Daruma còn đại diện cho một nhân vật huyền thoại, có lịch sử lâu đời, di sản phong phú và nguồn gốc đặc biệt. không nhiều người biết về lịch sử của con búp bê có vẻ ngoài ngộ nghĩnh này.

 

1. Huyền thoại đằng sau hình tượng búp bê Daruma

 

Tranh mộc bản Ukiyo-e của Bồ Đề Đạt Ma.

 

Daruma được phỏng theo hình dạng thiền sư Bồ Đề Đạt Ma, được cho là người sáng lập ra Thiền Tông và sống vào khoảng thế kỷ thứ 5-6. Theo chuyện kể, ông du hành về phương Đông và đã dừng lại ở Thiếu Lâm để truyền dạy võ học, trước khi tiếp tục cuộc hành trình và dừng chân tại một cái hang để thiền định.

Theo truyền thuyết, ông đã diện bích suốt 9 năm không nghỉ và chỉ nhắm mắt một lần sau 7 năm. Vì quá tức giận với điều ông cho là thiếu kỷ luật của bản thân, thiền sư tự cắt đứt mí mắt để không bao giờ ngủ được nữa. Khi mí mắt của ông rơi xuống đất, từ đó nảy mầm ra cây trà xanh. Từ truyền thuyết này, các nhà sư Nhật thường uống trà để tỉnh táo.

Cũng theo truyền thuyết, vì bất động suốt 9 năm nên tay chân ông cũng rơi khỏi cơ thể. Đó chính là lý do mà búp bê Daruma thể hiện rõ nét các đặc điểm này – không có chân tay và sở hữu đôi mắt luôn mở to.

 

2. Đặc điểm sâu xa của Daruma

 

 

Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của Daruma là đôi mắt trống rỗng của nó. Những con búp bê này không có đồng tử mà thay vào đó là những vòng tròn lớn ở mắt. Một trong những giả thuyết đằng sau sự lựa chọn này trong thiết kế có liên quan đến truyền thuyết về Bồ Đề Đạt Ma cắt bỏ mí mắt của chính mình.

Một quan điểm phổ biến hơn cho rằng nó bắt nguồn từ thực tế rằng, trong quá khứ, những người muốn vị thần trú ngụ trong con búp bê giúp họ đạt được mục tiêu sẽ thề rằng họ sẽ ban cho Daruma thị lực nếu thần giúp họ thành công. Để biểu tượng hóa điều này, họ sẽ vẽ mắt cho Daruma một khi đạt được ước nguyện.

Râu và lông mày vẽ trên búp bê nhằm tái tạo các đặc điểm trên khuôn mặt của Bồ Đề Đạt Ma, nhưng chúng không phục vụ mục đích thẩm mỹ đơn thuần. Trên thực tế, lông mày có hình dạng giống như con hạc, và bộ râu giống như con rùa. Các nhà chế tác bắt đầu áp dụng những hình dạng này trên Daruma để phù hợp với câu tục ngữ Nhật Bản mang nghĩa “Hạc sống ngàn năm, rùa sống vạn năm”.

 

 

Nói đến phần thân, việc Daruma không có tay chân tượng trưng cho sự hy sinh nhằm đạt được sự giác ngộ của Bồ Đề Đạt Ma. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng khiến con búp bê có cấu tạo giống một con lật đật và không thể bị ngã đổ – tượng trưng cho đức tính bền bỉ.

Ngoài ra, trên thân Daruma thường có các chữ Hán nhằm cầu may hoặc thể hiện các mong ước của người sở hữu.

Cuối cùng, mặc dù màu đỏ là nổi tiếng nhất nhưng Daruma có thể mang nhiều màu khác nhau tùy thuộc vào mong ước. Người Nhật tin rằng đó là màu áo choàng của Bồ Đề Đạt Ma; hơn nữa, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn trong văn hóa Á Đông. Chẳng hạn, màu vàng tượng trưng cho tài lộc, màu đen là để xua đuổi tà vận, màu xanh lục là sức khỏe.

 

3. Daruma trong văn hóa Nhật hiện đại

 

 

Theo lịch sử ghi lại, lần đầu búp bê Daruma được làm ra là vào thế kỷ 17 ở thành phố Takasaki, tỉnh Gunma bởi một người nông dân như một món bùa được ban phước bởi các nhà sư. Do sinh kế của người nông dân phụ thuộc mạnh mẽ vào sự may mắn của mùa màng, ý nghĩa này dần gắn với Daruma và biến nó thành vật cầu may cho những mục đích của người sử dụng.

Sau khi mua Daruma, người ta sẽ tô một mắt cho nó trước trong khi nỗ lực thực hiện các mong mỏi của mình và thành tâm cầu nguyện. Sau đó, một khi đã hoàn thành mục tiêu, con mắt thứ hai sẽ được tô nốt để biểu thị lòng cảm kích và trả lại thị lực đầy đủ cho Daruma.

Một năm sau khi mua Daruma, người ta có thể đem nó về ngôi chùa mà họ từng mua con búp bê để đem đốt, dù nguyện vọng có thành công hay không. Thậm chí, còn có một lễ hội tên daruma kuyo or dondoyaki được tổ chức ở nhiều ngôi chùa ở Nhật để cùng đốt Daruma.

Ngày nay, búp bê Daruma vẫn được dùng trang trí nhà hàng, cửa hàng hoặc nhà cửa nhằm cầu may. Kích thước của nó cũng thể hiện về mức độ mong ước của một người, vì người ta tin rằng con búp bê càng lớn thì khát vọng của người có được nó càng lớn.

 

 

Việc sử dụng Daruma không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp hoặc một số hộ gia đình tư nhân. Con búp bê này, qua nhiều thế kỷ, đã đạt được một vị trí đặc quyền trong văn hóa Nhật Bản, đến mức nó có xu hướng xuất hiện trong một số tình huống và địa điểm.

Ví dụ, các chính trị gia thường mang theo búp bê của họ trong các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu, đặc biệt là trong thời gian bầu cử. Giống như những người khác khi sở hữu Daruma, họ có một điều ước và cam kết trả ơn thần bằng thị lực nếu ngài ban cho họ.

Mặc dù Nhật Bản sở hữu một nền văn hóa rất thú vị và vô cùng phong phú về biểu tượng và truyền thống, nhưng rất ít hình ảnh khác của đất nước này có thể sánh ngang về nguồn gốc và ý nghĩa đa dạng, đi sâu vào xã hội như Daruma.

 

 

Nguồn: Live Japan

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
error: Content is protected !!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x