Vào mùa đông lạnh giá, các món lẩu rất được ưu ái tại Trung Quốc, trong đó nổi tiếng nhất có thể kể đến lẩu Tứ Xuyên, lẩu nhúng Bắc Kinh…
1. Lẩu Tứ Xuyên
Món ăn dân gian này bắt nguồn tại các bến cảng vùng Trường Giang vào đầu triều Thanh. Nó nhanh chóng được các thuyền viên yêu thích bởi sự tiện lợi, dễ làm và khả năng làm ấm cơ thể hiệu quả. Nồi lẩu Tứ Xuyên thường được phục vụ trong loại nồi hai ngăn. Một ngăn có chứa nhiều gia vị cay nóng, ngăn còn lại thì không cay để phù hợp với khẩu vị của khách và trung hoà bớt vị cay. Tuy nhiên cũng có những nồi lẩu có đến 9 ngăn.
Lẩu Tứ Xuyên có hai loại, một là lẩu Thành Đô, hai là lẩu Trùng Khánh, cả hai loại thoạt nhìn thì rất khó phân biệt với nồi nước dùng đầy ớt, tiêu như nhau. Nhưng về cách chế biến, khẩu vị của người Trùng Khánh thích cay nồng hơn, gia vị cũng đậm đà hơn. Những du khách không quen ăn cay sẽ không tài nào nếm nổi phần nước lẩu cay chảy nước mắt của nồi lẩu Trùng Khánh.
Tuy lẩu Tứ Xuyên cay là thế nhưng lại không hề gây nhiệt cơ thể bởi được chế biến với 89 nguyên liệu khác nhau, giúp người ăn cảm thấy vị cay nhưng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe dạ dày.
2. Lẩu shabu Bắc Kinh (lẩu nhúng)
Lẩu nhúng Bắc Kinh vốn là lẩu thịt dê, món ăn đơn giản nhưng nước dùng lại được chế biến khá cầu kỳ với 10 loại nguyên liệu gồm dầu ớt, nước tương, bột ngọt, giấm, dầu mè, dầu hạt tiêu, mùi tây, rau hẹ, đậu tương, hành, gừng… Nồi nước dùng phải luôn sôi sùng sục để người ăn thoải mái nhúng thịt dê, hải sản, xách bò và nhiều loại rau ăn kèm.
Với người dân phương Bắc Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh rất ưa chuộng món này, nhất là khi trời chuyển sang đông. Món ăn kèm khoái khẩu nhất cho lẩu nhúng này chính là những đĩa tỏi ngâm. Vị chua của giấm, nồng của tỏi sẽ tăng thêm vị ngon miệng cho người ăn.
3. Lẩu hoa cúc Tô Hàng
Món lẩu hoa cúc là món ăn do đích thân Từ Hy thái hậu nghĩ ra. Nước lẩu hoa cúc được hầm bởi nước dùng gà hay xương heo, nguyên liệu ăn kèm cũng rất đa dạng với các loại thịt gà, cá thái lát… Hoa cúc được rửa sạch, phơi ráo, khi nước lẩu đã sôi thì cho phần hoa cúc vào là có thể dùng. Trong Đông y, hoa cúc có tác dụng bổ khí huyết, tăng tuổi thọ, chống lão hóa, thải độc, giải nhiệt, giảm huyết áp…
4. Lẩu khô Hồ Nam
Nguyên liệu làm lẩu khô có thể là vịt, cá, thỏ… Những món này sau khi sơ chế được ướp thêm các loại phụ liệu như gừng lát, rau mùi… rồi dùng rượu trắng xào sơ qua, sau đó bỏ vào chút dầu ớt, đun khoảng 15 phút là trở thành nồi lẩu khô có mùi vị đặc biệt.
5. Lẩu hải sản Quảng Đông
Món lẩu hải sản của người Quảng Đông rất chăm chút phần nguyên liệu, nồi lẩu bắt buộc phải có nhiều loại hải sản đa dạng như thịt bò, mực, bạch tuộc, xách bò, hải sâm… Khi ăn, các loại hải sản sẽ được nhúng chín trong phần nước dùng thanh ngọt, sau đó để riêng vào chén của mỗi người rồi mới tiếp tục bỏ các phần nguyên liệu thịt gà, thịt bò vào nồi lẩu. Sau khi dùng xong phần thịt mới thêm vào các loại rau cải, nấm để ăn sau cùng.
6. Lẩu vịt nấu bia
Món ăn được bắt nguồn do một vị khách trong một lần bất cẩn đã trót đổ bia vào trong nổi lẩu, nhưng sự tình cờ đó lại khiến mùi vị nước dùng thơm ngon hơn. Cũng từ đó đã có khá nhiều nhà hàng thử nghiệm chế biến nước dùng lẩu từ bia.
Vịt nấu lẩu bỏ hết phần nội tạng, chỉ lấy phần thịt, đầu, chân rồi nấu chín với các loại gia vị gừng, ớt, tiêu… Phần bia chỉ bỏ vào sau khi nước lẩu đã sôi, đun riu riu khoảng 10 phút là có thể dùng.
Theo Trí thức trẻ