Kaffeeform là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Berlin. Họ đã tạo ra một công nghệ giúp biến bã cà phê thành cốc uống nước với khả năng phân hủy là 100%.
Cà phê có lẽ là thứ đầu tiên bạn nghĩ đến mỗi sáng. Nhưng chắc hẳn bạn đã không nghĩ đến điều này, chỉ tính riêng ở Mỹ, có 120 tỷ cốc cà phê dùng một lần được sử dụng mỗi năm, nhưng chúng không chỉ đơn thuần là những cái cốc và nắp đậy, bản thân chúng cũng đang góp phần tạo ra rác thải cho môi trường. Chưa kể tất cả những bã cà phê đã qua sử dụng thì sao? Trong một vài trường hợp, bã cà phê được đem làm phân bón hoặc để chế biến các sản phẩm làm đẹp. Tuy nhiên, hầu hết các bã cà phê đều sẽ trở thành rác thải.
Nhà sáng lập Julian Lechner, người đã khởi đầu cho việc tạo ra các sản phẩm ly cốc thân thiện với môi trường đã đưa ra ý tưởng này cho lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009, khi Julian chỉ là một cậu sinh viên đang học thiết kế sản phẩm.
Julian Lechner cho biết: “Chúng ta thường uống rất nhiều cà phê. Ở một khía cạnh nào đó, tôi tự hỏi điều gì xảy ra với tất cả những bã cà phê đã qua sử dụng này”.
Trong khi đó, Đức là một trong những quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất ở châu Âu, với một người trung bình tiêu thụ hơn 6kg cà phê mỗi năm. Khoảng 99% cốc cà phê bằng giấy, nhựa và ly xốp dùng một lần đều bị vứt vào thùng rác và một khi chúng nằm trong thùng rác, thậm chí cốc giấy cũng phải mất tới hơn 20 năm để phân hủy.
Vì vậy, bằng cách tái chế một loại chất thải cụ thể như bã cà phê, Kaffeeform đã và đang góp phần giải quyết một luồng chất thải lớn.
Những chiếc cốc thân thiện với môi trường ra đời
Cũng như hàng trăm sinh viên ngành thiết kế khác tại Ý, chàng du học sinh Julian Lechner đã làm bạn với cà phê qua mỗi mùa deadline. Trung bình, hàng ngày anh có thể uống tới… 6 ly espresso để giữ mình tỉnh táo và tập trung cho các đồ án. Cà phê với anh chàng lúc đó đơn giản là ngon và gây nghiện, cho tới khi cuộc trò chuyện định mệnh với một người pha chế địa phương diễn ra.
Sau một thời gian uống cà phê như nước lã, Julian nổi hứng tò mò, hỏi người pha chế rằng họ làm gì với lượng bã sau khi pha xong. “Còn làm gì được nữa, dĩ nhiên là vứt đi rồi!”. Câu trả lời thẳng thắn của người pha chế nọ đã mở ra một thực tế phũ phàng trước mắt Julian: Mỗi ngày, cửa hàng này thải ra trung bình 6kg bã cà phê, và 6 ly espresso của anh cũng góp phần không nhỏ trong đó.
Bằng tâm thế sáng tạo cố hữu của một sinh viên thiết kế, Julian quyết biến điều không thể thành có thể. Anh đi xin bã cà phê của các cửa hàng, phơi khô, đóng gói, rồi đem đến một cơ sở tái chế, trộn chúng với bio-polymer (một loại vật liệu xanh khá phổ biến trong công nghiệp tái chế). Không ngờ, thành phẩm là một chất dẻo xốp có khả năng tạo hình tốt như đất sét, cho ra đời những chiếc cốc đẹp, bền và quan trọng nhất là an toàn với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần.
Từ thành quả đầy bất ngờ đó, Julian đã quyết định thành lập một công ty start-up nhỏ chuyên sản xuất cốc cà phê mang tên Kaffeeform. Anh cung cấp đủ các loại cốc từ cốc dài có nắp để đem đi, đến cốc và đĩa theo bộ sang chảnh cho các cửa hàng cao cấp hơn. Từ đó thương hiệu Kaffeeform ngày càng nổi tiếng và được vinh danh trong lễ trao giải Red Dot 2018. Và tính đến nay Kaffeeform đã tạo ra các loại cốc cà phê từ bã cà phê tái chế trong suốt 3 năm qua.
Đồng thời cùng với sự trợ giúp của dịch vụ chuyển phát nhanh mang tên Crow Cycle Courier Collective (CCCC) – một công ty vận chuyển thân thiện với môi trường chỉ sử dụng phương tiện là xe đạp để chuyên chở. Họ đã trở thành những cộng sự đắc lực gắn bó cùng Kaffeeform trong suốt chặng đường thành lập đến nay.
Mỗi ngày, sẽ có một nhóm người đi xe đạp đến các cửa hàng cà phê trên khắp Berlin để thu thập bã cà phê đã qua sử dụng, từ đó tạo ra những chiếc cốc xinh xắn và thân thiện hơn với môi trường.
Sam, một thành viên trong công ty Crow Cycle Courier Collective cho biết:
“Thật là một sự trùng hợp tuyệt vời. Nhóm của chúng tôi đã viết cho Kaffeeform vào tháng 3/2018 rằng chúng tôi sẽ rất hứng thú nếu được làm việc với họ. Cùng ngày hôm đó, Julian cũng có một cuộc họp đưa ra quyết định rằng chỉ làm việc với phương tiện vận chuyển là xe đạp. Như một định mệnh, khi về đến nhà, anh ấy đã nhận được email của chúng tôi, và tỏ ra vô cùng phấn khích về điều đó”.
Sam chia sẻ thêm: “Khi chúng tôi đi thu gom bã cà phê, chúng tôi thường mất khoảng 90 phút để đi đến 3 địa điểm khác nhau và cuối cùng là đưa chúng đến xưởng. Đối với một công ty chuyển phát nhanh, đây không phải là việc làm thông thường của chúng tôi. Đó là một nhiệm vụ khá thú vị.”
Được biết, Crow Cycle Courier Collective có thể thu thập khoảng gần 50kg bã cà phê chỉ trong một ngày. Và bã cà phê sau khi thu thập được phân loại và làm sạch tại xưởng của Kaffeeform. Sau đó chúng được vận chuyển đến một cơ sở khác, nơi chúng được sấy khô và pha trộn với sợi thực vật, hạt gỗ sồi và nhựa tự nhiên.
Khi bã cà phê dạng hạt mới được trộn với nhau, chúng sẽ được định hình dưới sức nóng và áp lực. Phải dùng khoảng 6 cốc bã để sản xuất một cốc đựng espresso và đĩa nhỏ, từ đó tạo nên thành phẩm cuối cùng là 40% bã cà phê với khả năng 100% phân hủy sinh học.
Julian cho rằng: “Mục tiêu chung nhất cũng chỉ để làm nổi bật giá trị của việc tái chế và đưa chất thải trở lại có ích cho xã hội”.
Hiện tại cốc và tách của Kaffeeform đang được sử dụng tại 20 quán cà phê ở Berlin và 150 nhà cung cấp khác trên khắp châu Âu.
Một điểm đặc biệt thu hút của chiếc cốc do Kaffeeform sản xuất chính là nó có thể làm tăng thêm hương vị của cà phê, vì được sử dụng chính bã cà phê tươi, cốc của Kaffeeform có mùi thơm đặc biệt, khi uống sẽ hòa quyện với cà phê bên trong và đẩy hương vị lên một tầng cao mới. Dựa vào ý tưởng đó, Julian còn sản xuất những dòng cốc đặc biệt như “cốc espresso” để uống espresso, “cốc capuchino” dành riêng cho capuchino, đảm bảo đem lại hương vị nguyên chất nồng nàn từ trong ra ngoài theo cả nghĩa đen.
Không chỉ dừng lại ở cốc cà phê. Julian hy vọng một ngày nào đó, công ty sẽ có thể chế tạo ra các sản phẩm khác có thể phục vụ đời sống và thậm chí cả đồ nội thất được làm từ bã cà phê tái chế.
by Bảo San