TUỆ TĨNH – TỔ NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM

TRAVEL

TUỆ TĨNH – TỔ NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM

9
1.5k
2020 / 08 / 01

 

Tuệ Tĩnh (1330-?), chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Theo truyền thuyết ở địa phương, ông sinh trưởng dưới triều Trần Dụ Tông (thế kỷ XIV), lúc lên 6 tuổi, cha mẹ đều mất. Ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ăn học. (Chùa Hải Triều sau gọi là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, vì bị đất lở, đã dời đến xã Tân Sơn, huyện Cẩm Giàng). Đến 10 tuổi, Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Định) đưa về cho ở học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Tại đây, ông được gọi là Tiểu Huệ nên có biệt danh là Huệ Tĩnh. Ông được học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.

 

 TUỆ TĨNH - TỔ NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM

Miếu Y tổ tại Viện Y dược dân tộc Tp. HCM

 

Đến 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở chùa này và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, như chùa Hộ Xá (Nghĩa Xá). Năm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ởhạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tăng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

Năm 45 tuổi, Tuệ Tĩnh thi Ðình, đậu Hoàng giáp. Năm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y, rồi mất, không rõ năm nào. Giới y học Việt Nam và nhân dân đều công nhận Tuệ Tĩnh có công lao to lớn trong việc xây dựng một quan điểm y dược học độc lập, tự chủ, sát với thực tế Việt Nam.

 

 Miếu Y tổ tại Viện Y dược dân tộc Tp. HCM

 

Trong nghiên cứu dược liệu, ông cũng không chịu phụ thuộc vào cách sắp xếp của những sách nước ngoài. Ông không đưa ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên. Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông… Các bộ sách “Nam dược thần hiệu” và “Hồng nghĩa giác tư y thư” của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.

Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông nêu phương pháp dưỡng sinh tóm tắt trong 14 chữ:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
 Sách "Nam dược thần hiệu" bản cổ
Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam. Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị tri trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ta đã lập đền thờ ông: Đền Thánh thuốc nam ở quê hương thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, miếu Nghè ở chùa Giám, xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình, tinh Hải Hưng. Ngoài ra, ông còn được thờ là Thành hoàng ở xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng (có sắc phong là Thượng thượng đẳng phúc thần năm 1572, theo thần phả do Nguyễn Bính, Đông các đại học sĩ ở Viện Cơ mật triều Lê soạn).
theo Trường Dũng

 

 

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
error: Content is protected !!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x