Văn hóa trà Nhật Bản

STYLE

Văn hóa trà Nhật Bản

0
1.6k
2020 / 06 / 29

Nhắc đến trà Nhật, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Matcha. Nhưng thực ra, trà Nhật có đến hơn 10 loại, mỗi loại đều có hương vị khác nhau.

 

Văn hóa trà Nhật Bản

 

1. Lịch sử trà Nhật Bản

Bước ngoặt đầu tiên của lịch sử trà Nhật Bản là vào năm 805 (thời Heian), một nhà sư tên Saichou mang theo cây trà về Nhật sau chuyến đi Trung Quốc. Lúc này, người Nhật đang rất chuộng uống trà nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhà sư Saichou đã trồng nên vườn trà đầu tiên ở Nhật bằng cây trà mà ông mang về. Ngày nay, vườn trà lâu đời nhất này vẫn còn ở thôn Shigaraki, thuộc tỉnh Shiga.

Sau đó, Matcha xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 1214 (nửa đầu thời Kamakura) khi nhà sư Yousai mang văn hóa trà bột đang thịnh hành ở Trung Quốc (lúc ấy là thời nhà Tống) về Nhật kết hợp cùng tính Thiền trong Phật Giáo. Thời bấy giờ, người ta không dùng bột matcha để uống, mà chỉ xem nó là dược liệu. Chuyện kể rằng khi sư Yousai dâng bột Matcha cho tướng quân Minamoto no Sanetomo, những mệt mỏi sau cơn say của ngài lập tức biến mất. So với nước trà đun từ lá thì lượng caffeine trong bột Matcha – vốn được nghiền từ lá trà cũng khá cao, nên có tác dụng như chất kích thích. Điều kỳ lạ là cả sau khi đã “hết thời” ở Trung Quốc, bột Matcha vẫn tiếp tục phát triển tại Nhật.

 

Văn hóa trà Nhật Bản

 

Về sau, bột Matcha trở nên nổi tiếng trong giới tăng lữ, quý tộc và cả giới cầm quyền. Vào khoảng nửa sau thời Kamakura đến giữa thời Muromachi (1288 – 1392), cách uống trà đã có sự thay đổi. Người Nhật vừa uống trà vừa thưởng thức các vật phẩm nghệ thuật du nhập từ nhà Đường của Trung Quốc. Bước thay đổi này có thể coi là hình thái nguyên sơ của Trà đạo.

Bên cạnh kiểu thức uống trà trong khi thưởng thức cái đẹp và uống trà dùng bánh, thì một kiểu thức khác cũng được khai sinh vào nửa sau thế kỷ 15 bởi một người tên Sen no Rikyu. Đó là gắn kết trà với tính Thiền và Thần đạo, gọi là “Wabicha”. Cho đến ngày nay, các con cháu và môn đệ của Rikyu vẫn lưu giữ những gì học được về Trà đạo từ ông.

 

2. Bột trà xanh – Món quà thần kỳ

2.1. Lịch sử của Matcha và Trà đạo

Tên gọi Matcha rất thuần Nhật, nhắc tới Matcha là người nghe sẽ liên tưởng ngay đến Nhật Bản. Thế nhưng thật ra từ “Ocha” (trà) đã hình thành vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên ở Trung Quốc. Vào thế kỉ thứ VII, các sứ thần và các tu sĩ đã đem hạt giống trà từ nhà Đường về Nhật và thứ được gọi là “Ocha” bắt đầu xuất hiện ở Nhật. Vào thời điểm đó, trà được xem như một loại thảo dược, thứ thuốc vạn năng có thể chống lại mọi bệnh tật, giúp con người “trường sinh bất lão” nên rất được nâng niu trân trọng, chỉ có vương giả, quý tộc, và những tầng lớp có sức ảnh hưởng như giới cầm quyền mới được dùng.
Văn hóa trà Nhật Bản

Năm 1191 (thời Kamakura), thiền sư Eisai (còn gọi là Yosai), người đã sáng lập ra trường phái Rinzai (Lâm Tế) – một trong những trường phái Thiền chính ở Nhật Bản, đã mang một thứ trà xanh dạng bột, uống theo hình thức bỏ vào khuấy tan trong nước sôi gọi là Matcha từ Trung Hoa về Nhật Bản. Trong cuốn “Kissa Yojoki” (tạm dịch: Những ghi chép về việc uống trà và dưỡng sinh) của Eisai có ghi lại một câu chuyện: Trong một buổi yến tiệc nọ, Shogun (tướng quân) thứ ba của Mạc phủ Kamakura là Minamoto Sanetomo (1192 – 1219) bị đau đầu dữ dội vì uống nhiều rượu. Trong lúc mọi người hoàng loạn lo lắng thì Eisai bình tĩnh pha một chén trà dâng cho Minamito. Ngài vừa uống xong thì lập tức tỉnh rượu, hết đau đầu, mệt mỏi do dư âm của rượu dần tan biến. Từ đó, triều đình rất khuyến khích việc uống trà, coi trà như là một loại thuốc chữa bách bệnh. Trà được giới tu sĩ và võ sĩ sử dụng để giúp đầu óc tỉnh táo và tăng cường sức mạnh. Còn giới quý tộc giàu có thì rất thích nghệ thuật Tocha (đấu trà) được truyền từ Trung Quốc sang. Các dụng cụ pha trà cũng được du nhập về. 

Đến thế kỉ XII, phong cách thưởng thức trà của người Nhật đã đạt đến đỉnh cao của sự tinh tế và được xem như một đạo phái – Trà đạo. Nghi thức ban đầu của Trà đạo bắt nguồn từ kiểu cách dùng trà của tầng lớp Samurai, có những nguyên tắc khắt khe trong cách pha trà.

Nghi thức Trà đạo chịu nhiều ảnh hưởng của Thiền như ngày nay được định hình bởi bậc thầy Trà đạo Sen no Rikyu (tên thật là Sen Soeki). Thuở còn trẻ, Rikyu theo học trà với Kitamuki Dochin, đến năm 19 tuổi thì thụ giáo Takeno Joo – một học giả có am hiểu sâu sắc về mỹ học của Wabicha (侘茶). Thấm nhuần tinh thần của Joo, Rikyu đã sáng tạo và phát triển mỹ học của Cha no Yu (茶の湯), nghi thức đun nước và khuấy với bột trà xanh. Những nghi thức của trường phái này dần dần định thành một quy tắc và nâng tầm lên thành một nghệ thuật, được gọi là Trà đạo. Đến giữa thế kỷ XIV, việc uống trà trở nên phổ biến trong giới bình dân. Từ đó đến nay, nghệ thuật này càng được hoàn thiện, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Nhật Bản.

Ngày nay, trà Nhật được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. “Matcha” trở thành từ dùng chung trên thế giới để chỉ bột trà xanh của Nhật, không cần phải phiên âm ra tiếng bản địa. 

 

Văn hóa trà Nhật Bản

 

2.2. Tác dụng của Matcha 

Theo nghiên cứu và phân tích của ông Omori Masashi, Giáo sư lĩnh vực thực phẩm của Đại học nữ sinh Otsuma… trà xanh có rất nhiều công dụng:

– So với nước trà đun từ lá thì lượng Caffeine trong bột Matcha – vốn được nghiền từ lá trà – khá cao. Cùng với một số Alkaloid khác có trong trà, Caffeine giúp kích thích hệ thần kinh trung ương và vỏ đại não, làm cho tinh thần minh mẫn, giảm mệt nhọc sau khi lao động, ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Polyphenol, các loại Vitamin và khoáng chất giúp điều chỉnh nồng độ đường trong máu, phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, tụt huyết áp,…

– Catechin có khả năng đốt cháy chất béo hiệu quả, ngăn ngừa bệnh béo phì; chức năng chống Oxy hóa mạnh mẽ, ngăn ngừa các tác nhân của lão hóa, giúp nếp nhăn và chảy xệ không hình thành trên da. Vitamin C có thể ức chế các sắc tố Melanin, kết hợp với các Catechin giúp hình thành nên một làn da đẹp.

– Các hợp chất Flo có tác dụng ngăn ngừa sâu răng, khử mùi hôi miệng.

Ngoài ra, do 4 tuần trước khi bước vào mùa thu hoạch, cánh đồng trà sẽ được bao phủ hoàn toàn bằng kỹ thuật phủ bóng đặc biệt nhằm giảm 90% ánh sáng mặt trời, làm cho lượng Theanine tăng nhiều hơn gấp 7 – 10 lần so với búp trà xanh thông thường, đồng thời các Axit amin chịu trách nhiệm bảo toàn hương vị trà xanh sau khi đã được chế biến thành bột nên Matcha có giá trị dinh dưỡng cao, không thua kém các loại trà hảo hạng khác.

Matcha cũng là liệu pháp làm đẹp tự nhiên cho chị em phụ nữ, được sử dụng làm mặt dạ dưỡng da cũng như sáng chế ra các sản phẩm tốt cho sức khỏe khác.

 

Văn hóa trà Nhật Bản

 

3. Một số loại trà Nhật Bản thường thấy

3.1. 煎茶・Sencha

Sencha là loại trà lá được uống trong cuộc sống thường ngày, chiếm 80% sản lượng trà Nhật. Lá trà được sấy ngay sau khi hái để ngăn chặn sự lên men, tạo màu sắc tươi sáng, sống động cho trà. Mùa trà tươi bắt đầu vào khoảng tháng 5. Trà Sencha rất phổ biến và còn được gọi là “Trà số Một”.

 

văn hóa trà Nhật Bản

sencha

 

3.2. 玉露・Gyokuro

Trà cao cấp được nuôi trồng bằng phương pháp đặc biệt tránh ánh nắng trực tiếp, gọi là Kabuse. Phương pháp này ngăn chặn quá trình quanh hợp của cây trà, làm giảm chất catechin vốn là thành phần gây vị chát trong trà, đồng thời tăng thêm chất theanine giúp dậy lên vị ngon đặc sắc. Mặc dù cũng là lá trà sấy khô như Sencha, nhưng giá thành Gyokuro lại cao hơn nhiều. 

 

văn hóa trà Nhật Bản

houjicha

 

3.3. ほうじ茶・Houjicha

Lá trà Sencha khi đem sao ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành loại trà khác, tên là Hojicha, có màu nâu khác với 2 loại trên. Điểm đặc trưng nhất của Hojicha là hương thơm bốc lên ngào ngạt ngay khi cho nước nóng vào. Đây là loại trà được uống nhiều xếp sau Sencha và được yêu thích bởi mọi thế hệ. Do lá trà được sao được làm giảm rất nhiều lượng caffeine và tannin.

 

4. Cách pha trà Nhật

 

văn hóa trà Nhật Bản

 

① Độ nóng thích hợp của nước pha trà Sencha là khoảng 80ºC. Trước tiên, nước nóng được rót ra tách trà rồi để nguội bớt. Bằng cách này có thể điều tiết độ nóng và lượng nước sao cho thích hợp, đồng thời làm ấm tách trà.

② Cho lá trà vào ấm. Trung bình mỗi người một muỗng cà phê đầy.

③ Khi nước trong tách nguội bớt, rót nước vào ấm trà. Đậy nắp, đợi trong 40 giây – 1 phút và tách trà Sencha thơm ngon đã sẵn sàng để bạn thưởng thức.

④ Khi rót trà, cần chú ý rót sao cho trà trong các tách có độ đậm đều nhau. Do đó, người ta rót xoay vòng nhiều lượt theo thứ tự 1 đến 2 rồi quay lại 2 đến 1.

 

tổng hợp kilala.vn

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
error: Content is protected !!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x